Theo truyền thuyết, Quán Thế Âm Bồ Tát bắt đầu tu bằng cách lắng nghe. Ngài thường đến ven biển, ngồi trên ghềnh đá, lặng thinh nghe tiếng sóng vỗ ầm ì. Từng đợt sóng lớn nhỏ xô đẩy nhau, dạt vào bờ, tạo ra những chuỗi âm thanh vỡ vụn, khi như reo vui, lúc lại như nức nở.
Tai (căn) nghe tiếng sóng (trần) lòng xôn xao (thức), khiến đôi lúc Ngài không giữ được trọn vẹn tâm thanh tịnh. Ngài bèn rời biển, đi vào rừng sâu, thiền định nơi thật khuất vắng, nhưng lạ thay, âm thanh của sóng biển rì rầm vẫn văng vẳng bên tai. Ngài bèn biết rằng âm thanh này chẳng phải thực âm thanh mà chỉ là những chủng tử đã rơi vào tàng thức, giờ lại hiển hiện. Ngài bèn quay lại bờ biển, ngồi trên ghềnh đá cũ, lại nghe sóng vỗ. À, sóng có cao, có thấp, có lớn, có nhỏ, đuổi nhau từng lớp, ập vào bờ, tạo ra âm thanh lúc dịu dàng, lúc dữ dội. Sóng chẳng phải tự nhiên thành mà do duyên theo gió. Gió lớn tạo sóng to, gió nhẹ tạo sóng nhỏ. Nếu không có gió thì chẳng có sóng; nghĩa là, sóng đến và đi là theo duyên của gió chứ tự thể nước vốn không động, không tịnh, cũng chẳng đến, đi.
Quan sát được điều này, Ngài không để tâm mình duyên theo âm thanh của sóng nữa. Sóng đến, tâm không động; sóng đi, tâm không theo vì khi ấy Ngài không còn nghe bằng nhĩ căn nữa, mà nghe bằng Tánh-Nghe. Căn gặp Trần không còn khởi Thức nữa nên Tánh-Nghe đã nghe được cả sự tĩnh lặng, vì khi ấy sinh diệt, đến đi của âm thanh hoàn toàn không lay động tới Tánh-Nghe. Duy Thức Học đặt dấu mốc này là Bình – Đẳng – Tánh-Trí, là không còn Thức nữa, chỉ còn Trí.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.